Đi cùng với sự phát triển của công nghệ, máy móc đã dần thay thế con người làm các công việc nặng nhọc, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và vận hành. Các thiết bị nâng hạ di chuyển hàng hóa theo từng mục đích làm việc khác nhau của người sử dụng như xe nâng hàng đã được sử dụng ngày càng nhiều. Không thể phủ định những lợi ích mà xe nâng hàng mang đến, tuy nhiên trong quá trình sử dụng vẫn có thể phát sinh một vài nguyên nhân khách quan gây ra sự cố. Để giải quyết vấn đề trên, bắt buộc chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc sử dụng xe nâng an toàn. Hãy cùng Savico tìm hiểu về vấn đề này nhé!

 

Phân loại theo nhiên liệu xử dụng hay phân loại theo động cơ thì xe nâng được phân làm 3 nhóm chính: Xe nâng dầu; Xe nâng điện; Xe nâng xăng-gas.

 

- Xe nâng dầu là loại xe bền bỉ, có khả năng làm việc trong thời gian dài ngoài nhiệt độ cao mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết hoặc các điều kiện khó khăn khác.

- Xe nâng điện là một thiết bị xử lý vật liệu vừa mạnh mẽ vừa sạch và thân thiện với môi trường, không gây tiếng ồn cũng như không có khí thải từ động cơ, phù hợp cho những công việc chủ yếu ở trong nhà kho, những nơi có mặt sàn trơn nhẵn và sạch sẽ.

- Xe nâng xăng – gas là dòng xe nâng sử dụng động cơ đốt trong là xăng hoặc gas có kích thước nhỏ hơn xe nâng động cơ diesel. Chi phí đầu tư ban đầu cho loại xe này cũng thấp hơn xe điện hay xe dầu cùng phân khúc. Hoạt động tốt trên các loại địa hình từ phẳng đến gồ ghề hay dịa hình dốc và tiếp nhiên liệu nhanh hơn xe nâng điện.

Theo thống kê về các nguyên nhân gây tai nạn lao động thì việc sử dụng xe nâng không đúng cách cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, chủ yếu xuất phát từ việc lái xe sai quy cách, xe chưa được kiểm tra định kỳ,… Chính vì thế nên mọi người cần tuân thủ các nguyên tắc về an toàn khi sử dụng xe nâng như:

 

 

Đối với thiết bị xe nâng:

 

Theo thông tư số 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định cần thực hiện đăng ký kiểm định đối với các loại xe nâng hàng với tải trọng từ 1.000kg trở lên

Ngoài ra, thông tư số 51/2015/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với xe nâng hàng sử dụng động cơ có tải trọng từ 1.000kg trở lên yêu cầu bắt buộc phải tuân thủ về quản lý sử dụng.

 

 

Đối với người sở hữu hoặc chủ doanh nghiệp:

 

Người sở hữu/chủ doanh nghiệp cần hỗ trợ người vận hành xe nâng tham gia các khóa học về an toàn, đào tạo bài bản trước khi bắt đầu lái xe. Đồng thời cũng cần tiến hành đánh giá lại theo định kỳ để đảm bảo tay nghề, kỹ năng vận hành xe nâng của các tài xế vẫn được đảm bảo.

Song song đó, chủ doanh nghiệp cũng cần đảm bảo các loại xe nâng đang sử dụng phù hợp với đúng loại xe mà người vận hành đã được đào tạo. Ví dụ người được đào tạo về xe nâng ngồi lái không có nghĩa sẽ lái được tất cả các loại xe nâng dạng khác.

 

 

Đối với người vận hành xe nâng:

 

Để làm việc bằng phương tiện này, người vận hành xe nâng phải đảm bảo những điều kiện sau:

  • Có sức khỏe tốt và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và được công nhận bởi cơ quan y tế có thẩm quyền.
  • Độ tuổi lao động phù hợp với Luật Lao Động hiện hành.
  • Đã trải qua khóa huấn luyện, đào tạo về lái xe nâng và có thẻ an toàn lao động trước khi tham gia vận hành xe nâng.
  • Hiểu rõ về các đặc tính, cấu tạo, thông số kỹ thuật và quy cách vận hành xe nâng một cách bài bản đồng thời nắm rõ những yêu cầu, quy định về an toàn lao động.

 

 

Trước khi vận hành xe nâng, người sử dụng cần đảm bảo những yếu tố sau:

 

- Được trang bị đồ bảo hộ như quần áo, mũ cứng và giày/dép chống trơn trượt.

 

- Biết sử dụng các dụng cụ chữa cháy, dụng cụ y tế cơ bản.

 

- Nắm rõ nhiệm vụ công tác, đặc điểm của tải trọng và lập các phương án đảm bảo an toàn về các phương pháp xếp, dỡ tải (nhất là loại tải trọng mới, độc hại và dễ sinh cháy nổ). Sau đó lựa chọn

 

và kiểm tra các loại dụng cụ phục vụ công việc cần thiết để đáp ứng cho công việc.

 

- Kiểm tra thường xuyên máy móc, chi tiết và các cụm chi tiết cơ bản trong xe như tín hiệu cảnh báo an toàn, gương chiếu hậu, phanh,…

 

- Có tầm quan sát tốt để xác định vị trí cần nâng, hạ hàng hóa và đường di chuyển thích hợp, tránh va chạm vào hàng hóa khác.

 

- Đảm bảo nơi làm việc có ánh sáng tốt, thông thoáng.

 

- Biết được trọng lượng xe nâng từ đó xác định được phương pháp làm việc an toàn nhất.

 

 

Trong khi vận hành xe nâng, cần:

 

- Có khả năng tập trung cao độ, làm việc đúng với quy định về an toàn lao động tại nơi làm việc.

 

Trong lúc làm việc cần phát tín hiệu báo cho mọi người xung quanh biết được.

 

- Không được nâng hàng quá tải trọng cho phép của xe nâng.

 

- Khi nâng hàng hóa với cân nặng xấp xỉ tải trọng cho phép của xe nâng, phải nâng thử tải lên độ cao khoảng 1 đến 2m so với bề mặt nơi làm việc để xem xét các chi tiết trên xe nâng có gặp vấn đề gì hay không rồi mới quyết định có nên tiếp tục nâng hàng hóa này.

 

- Người vận hành không được để tay, chân thò ra ngoài, không được chở thêm người trên cabin lái hoặc càng nâng, hạ.

 

- Sử dụng tốc độ an toàn tại nơi làm việc.

 

Sau khi vận hành xe nâng, người vận hành cần thực hiện những công việc sau:

 

- Di chuyển xe về vị trí quy định và tắt máy sau khi đã làm việc xong. Dọn dẹp lại khu vực buồng lái và cất giữ thiết bị đúng nơi quy định.

 

- Ghi nhận lại quá trình sử dụng xe nâng để vận chuyển hàng hóa như tình trạng kỹ thuật của máy, thời gian vận hành máy,…

 

- Đối với người làm việc xung quanh xe nâng:

 

- Nắm rõ khu vực có thể làm việc và di chuyển của mình.

 

- Trang bị đồ bảo hộ, kính trong khi làm việc bên cạnh các xe nâng hàng.

 

- Chú ý những khu vực xung quanh mình và di chuyển đến khu vực an toàn nếu bản thân cách xe nâng quá gần.

 

- Đối với khu vực làm việc:

 

- Có khu vực riêng để dán các yêu cầu, quy định về an toàn lao động.

 

- Trong khu vực sử dụng xe nâng cần dán các biển báo an toàn tại nơi dễ dàng quan sát.

 

- Trang bị các vật dụng phòng cháy chữa cháy, y tế theo quy định của Nhà Nước.

 

- Có kế hoạch sơ cứu khẩn cấp đối với các sự cố phát sinh gây thiệt hại về người và của để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng của sự cố.

 

- Thường xuyên vệ sinh, kiểm tra khu vực làm việc, hạn chế những vật dụng dư thừa gây cản trở người lao động làm việc.